Nếu con có bề gì, bố mẹ có vui không?

 Tình yêu của mẹ 🙂 

Đã lâu lắm rồi không viết, nhưng hôm nay đọc xong  Con đã không bao giờ còn tỉnh dậy và làm mẹ phiền lòng nữa… thì ức chế quá lại phải viết.

Hồi bên kia, mình thường nghe một câu thế này: “Pick on somebody your own side”, đại khái là có giỏi thì oánh nhau với một người ngang tầm mày ý! 

Ở Việt Nam, nhiều người nuôi con thật ích kỷ. Sâu trong tiềm thức của đại bộ phận người Việt, họ luôn cho rằng bố mẹ “có công sinh thành, có công dưỡng dục” vì vậy nên con phải “trả ơn trả nghĩa, hiếu thuận, nghe lời”. Đồng nghĩa với việc, bố mẹ có toàn quyền “sở hữu” con, và thích làm gì cũng được, miễn là ko đến mức xã hội lên án. Nhưng mình tin rằng, có thể sinh ra một đứa con, có thể yêu thương dạy dỗ nó, đó chính là một đặc ân đối với người làm cha làm mẹ. 

Công ơn, rốt cuộc cũng chỉ tính bằng tiền, bằng thời gian, và bằng tấm lòng một người dành cho bản thân chúng ta. Chúng ta sẵn sàng trả bao nhiêu tiền cho một bữa ăn chơi phè phỡn, cho một bộ quần áo thời thượng, cho một chiếc túi xách hàng hiệu, chỉ để đổi lấy một vài phút giây vui vẻ hạnh phúc? Nếu vậy thì, trẻ con đến năm ba tuổi đã đủ trả hết mọi “nợ nần” đối với cha mẹ chỉ bằng thứ tình yêu trong suốt như pha lê, bằng những phút giây vui vẻ hạnh phúc không có gì có thể đánh đổi được. Không ai nợ ai, hãy ít nhất là đối xử bình đẳng với con mình, giống như cái cách chúng ta đối xử với một CON NGƯỜI. 

Mình sẽ không bàn đến những người vô văn hoá, bạ cái gì cũng xông vào đấm đá, nhưng đối với một người có văn hoá, có học thức hẳn hoi, biết cách ứng xử, biết cách làm vừa lòng người khác như hầu hết mọi người, vậy thì: 

Chúng ta có khi nào nhảy ra vả cho một người ngồi bên cạnh chỉ vì người ta lỡ làm rớt chén cơm không? 

Chúng ta có đánh vào tay một ông chú nào đó chỉ vì ông ta lỡ viết sai chính tả không?

Chúng ta có cầm gậy phang bà giúp việc chỉ vì bà ý không nghe lời mình nói không?

Thế tại sao chúng ta lại đánh con, trong khi luôn mồm nói là tôi chăm lo cho nó, tôi làm tất cả vì nó, vậy mà ngay cả đến một cái quyền được bình đẳng đối xử như cách được đối xử của một con người bình thường chúng ta cũng không thể cho chúng được?

Không chỉ bạo lực về thể xác, lại còn bạo lực về tâm hồn.

Bạo lực tâm hồn là cái gì?

Bạo lực tâm hồn chính là khi chúng ta sử dụng lời nói, đôi khi là hành động, làm tổn thương tâm hồn của người khác. Có lẽ, rõ hơn ai hết, chúng ta biết rằng một vết thương trên da có thể lành, nhưng một vết thương lòng có thể vĩnh viễn không bao giờ khép lại. 

Bạo lực tâm hồn chính là khi bạn nói những câu đại loại như:

– Kiểu như mày thì làm được trò trống gì.

– Tại sao con không được như bạn A.

– Con có thấy bạn X không, nó như thế cơ mà.

– Sao mày ngu thế?

– Con cái gì không giống bố/mẹ gì cả.

– Sao con hư thế? Bố/mẹ có dạy con như thế đâu. 

Những câu nói như vậy, có khi là do bột phát, có khi chỉ là nói cho sướng mồm, nhưng lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, ý chí, và niềm tin của một con người chứ đừng nói là của một đứa trẻ. Mặc dù những lời nói đó không phải là đúng đi nữa, những đứa trẻ vẫn sẽ tin, tin rằng nó là một đứa không ra gì, tin rằng ngay đến bố mẹ của chúng cũng không yêu thương chúng. Chúng sẽ cảm thấy đau lòng, cảm thấy xấu hổ về bản thân, và cảm thấy cô đơn. Dần dần, chính chính ta tạo nên tính cách của một đứa trẻ đau khổ, lầm lì, thiếu tự tin, không muốn mở lòng với bất cứ ai. 

Chúng ta sống trong thời đại của tri thức, có rất nhiều cách để đạt được mục đích của mình, kể cả trong việc dạy con, nhưng tại sao ta lại chọn cách bỉ ổi nhất, tàn nhẫn nhất, tự hạ thấp nhân phẩm của mình nhất, và gây hậu quả nặng nề nhất là bạo lực? 

Give your children a lot of love, so they have a lot of love to give.

Hãy cho con thật nhiều tình yêu, để chúng có thật nhiều tình yêu để cho đi. 

~Nana3B~ 

Nếu bạn thích bài viết này, có thể bạn cũng sẽ thích:
>> Con cái đánh bố mẹ, bố mẹ đánh con - Nana3B